Kiến Thức Về Lụa

Quy Trình Sản Xuất Lụa Tơ Tằm Diễn Ra Như Thế Nào?

4712

Tằm bản chất là một loại sâu ăn lá, có lẽ nó cũng sẽ bị tiêu diệt như bao loài sâu ăn lá phá hoại mùa màng khác nếu như con người không phát hiện ra sự đặc biệt của chất mà nó nhả ra trong quá trình sinh trưởng và phát triển, đó chính là tơ tằm, những sợi tơ trong suốt mỏng manh, nhưng lại có độ bền chắc và vẻ đẹp óng ánh quyến rũ.

 

Nguồn Gốc Lụa Tơ Tằm

Nghề dệt lụa tơ tằm bắt đầu từ khi người ta phát hiện ra thứ chất liệu tơ tằm tuyệt vời.  Đầu tiên nhất là ở Trung Quốc, có thể là từ rất sớm vào khoảng năm 6000 TCN nhưng chắc chắn là khoảng năm 3000 TCN là đã có. Bởi vẻ đẹp óng ánh và độ bền của nó nên lụa nhanh chóng trở thành một thứ hàng cao cấp ở những nơi mà thương nhân người Hoa đặt chân tới. Chính vì vậy, các vị vua Trung Hoa đã cố gắng giữ bí mật nghề nuôi tằm nhằm giữ thế độc quyền cho người Trung Hoa. Tuy nhiên người Triều Tiên đã học được nghề này vào khoảng năm 200 T.C.N, sau đó là người Khotan cổ vào khoảng nửa đầu thế kỷ 1 C.N. và người Ấn Độ khoảng năm 300 C.N.

Riêng tại Việt Nam, lụa tơ tằm còn được coi là một trong những bản sắc văn hóa lâu đời. Theo thần tích làng Cổ Đô, huyện Ba Vì thì nghề chăn tằm, ươm tơ đã có từ thời vua Hùng Vương thứ 6 do công chúa Thiều Hoa khởi nghiệp. Nêu theo đó dân làng theo nghề dệt lụa thờ Thiều Hoa làm tổ nghề dệt lụa. Lụa tơ tằm được truyền bá rộng rãi khắp các vùng từ đồng bằng màu mỡ đến núi đồi cao nguyên Việt Nam hợp thành những làng nghề truyền thống với bề dày lên đến mấy trăm năm tuổi. Trải qua thời gian lụa tơ tằm trở thành thứ vải “thượng hạng” của Việt Nam, mang ý nghĩa dân tộc sâu sắc.

Quy Trình Sản Xuất Lụa Tơ Tằm

Tục ngữ Việt Nam xưa có câu “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm  ăn cơm đứng” theo đúng nghĩa đen của nó đã phần nào cho ta thấy được sự khó khăn, vất vả của những người làm nghề trồng dâu – nuôi tằm – ươm tơ – dệt lụa. Đó là cả một quá trình lao động cần mẫn với nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu của người làm nghề thì mới có thể có được những thước lụa mềm mại, quyến rũ thêu dệt nên những bộ trang phục sang trọng óng ả bóng mượt với các mẫu thiết kế đa dạng, bắt mắt. Bạn đã biết quy trình sản xuất lụa tơ tằm chưa? Hãy đọc bài viết này để hiểu rõ hơn nhé!

Nuôi Tằm

Nuôi tằm là khâu quan trọng nhất trong quá trình sản xuất tơ lụa. Bởi vậy đòi hỏi người nuôi tằm phải có kỹ thuật nuôi tằm tốt. Sản phẩm quy trình nuôi tằm cho ra vừa là nguồn giống trực tiếp cho người nông dân vừa là nguyên liệu đầu vào của nghề ươm tơ, dệt lụa.

Nhộng tằm rất ưa thời tiết mát mẻ và phát triển rất tốt trong điều kiện thời tiết này nên mùa xuân và mùa thu sẽ là 2 thời điểm thích hợp nhất trong năm để nuôi tằm.

Báo Bà Rịa Vũng Tàu

Vòng đời trung bình của một con tằm từ khi nở đến lúc nhả tơ là từ 23 – 25 ngày, và trải qua 4 lần lột xác. Thức ăn chính của tằm là lá dâu. Lá dâu thì phải là lá được lấy trên những cây trồng trên những vùng đất màu mỡ, không bị ô nhiễm. Tùy vào độ tuổi của tằm thì loại lá dâu dùng làm thức ăn cho tằm khác nhau. Thông thường là hái lá từ trên ngọn xuống.Tằm nhỏ cho ăn lá non, thái nhỏ. Tằm lớn ăn lá bánh tẻ, lá cứng.

Tằm ăn suốt ngày đêm, tuy nhiên vào thời điểm trước khi lột xác khoảng 2 ngày của mỗi giai đoạn tằm không ăn (gọi là tằm ngủ). Tằm 5 là giai đoạn tằm ăn nhiều thức ăn nhất tiêu thụ bằng khoảng 80% lượng thức ăn của các tuổi khác. Sau khoảng 3 tuần tằm phát triển đến kích thước tối đa (tằm chín) mình trơn, da căng bóng, mỏng, có màu hơi vàng trong suốt. Lúc này tằm bò đến nơi thích hợp để nhả tơ và tạo kén.

Nhả Tơ, Tạo Kén

Tằm chín được bắt lên né để tằm nhả tơ. Né là chiếc khung làm từ thân cây đay, gồm có 5 lớp, các thân cây đay được xếp tạo thành các ô hình chữ nhật thông thoáng.

QUY TRÌNH NUÔI TẰM LẤY TƠ - Top10tphcm

Tằm nhả tơ từ ngoài vào trong, đầu tiên là vài vòng tơ thô bao bọc bên ngoài để định hình tổ kén gọi là áo kén, trong vòng 4 ngày liên tiếp, con tằm xoay cơ thể theo chuyển động hình số 8 khoảng 300 ngàn lần liên tục, nhả thành sợi tơ dài gần 1km, quấn quanh mình tạo thành kén. 

Về bản chất tơ là một loại sợi protein dạng lỏng, nhớt và trong suốt, được tiết ra từ tuyến nước bọt của tằm, khi tiếp xúc với không khí, chất lỏng này đông cứng lại, tạo thành sợi tơ. Đồng thời khi nhả tơ, tằm cũng tiết ra 1 loại chất lỏng khác là sericin, đây như là một loại keo dính chặt hai nhánh tơ mảnh với nhau thành một sợi tơ. 

Sau khi nhả hết tơ, tằm kiệt sức nằm yên trong kén và biến thành nhộng, lúc này có thể bắt đầu gỡ kén để đem đi ươm tơ.

Ươm Tơ

Sau khi tằm nên né tạo kén được khoảng 1 tuần sẽ là thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu ươm tơ. Tơ phải được ươm hết trong vòng 5 ngày nếu không nhộng tằm sẽ biến thành ngài và cắn lớp vỏ kén chui ra. Như vậy sợi tơ sẽ bị đứt, tơ ươm chắp nối không còn độ mịn và chất lượng tốt như tơ được kéo khi còn nguyên kén.

Để ươm tơ thì đầu tiên cần thả kén vào nước sôi và đảo đều để kén mềm và bong áo kén ra ngoài. Sau đó tìm mối gốc của tơ để rút ra và chập 10 sợi tơ lại thành 1 và quấn vào con quấn tơ chuyên dụng. Sợi tơ sau khi được kéo gọi là tơ thô.

Khám phá quy trình "ươm tơ dệt lụa” của nghệ nhân Việt Nam - Báo Công an Nhân dân điện tử

Dệt Lụa

Từ sợi tơ tằm đã được ươm ta bắt đầu quy trình dệt vải lụa.  Tùy theo chất lượng tơ và cách xoắn sợi tơ sẽ có các loại tơ với chất lượng khác nhau, tùy vào số lượng sợi xe mà vải lụa sẽ điều chỉnh độ dày mỏng, tạo nên nhiều loại vải lụa tơ tằm phong phú với đủ độ mỏng, rủ, trong, bóng hay mềm, cứng, óng ánh. 

Kiểu dệt cổ truyền của Việt Nam là phối hợp pha trộn các loại sợi dọc và ngang để tạo ra những loại lụa tơ tằm khác nhau như: lụa Satin tơ tằm, lụa Taffeta tơ tằm, lụa Đũi,…Công đoạn dệt lụa tơ tằm tại các làng nghề truyền thống Việt Nam đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công, trên các máy dệt còn thô sơ, đòi hỏi người lao động phải cực kỳ tỉ mỉ, chịu khó và kinh nghiệm dày dặn để cho ra những tấm lụa tốt nhất, đẹp nhất.

Khám phá quy trình "ươm tơ dệt lụa” của nghệ nhân Việt Nam - Báo Công an Nhân dân điện tử

Nhuộm Màu

Trước khi nhuộm màu lụa chỉ có màu trắng ngà của tơ và vẫn còn thô cứng vì còn keo sericin. Để làm sạch lớp keo bám này lụa được ngâm trong nước nóng – công đoạn này được gọi là truội tơ. 

Trước đây theo truyền thống, các làng nghề nhuộm vải lụa bằng các nguyên liệu lấy từ thiên nhiên như vỏ cây, lá cây, các loại củ như củ nâu… Ngày nay với kỹ thuật nhuộm hiện đại với phẩm màu công nghiệp đem lại cho lụa tơ tằm những màu sắc đa dạng, sắc nét và rực rỡ hơn. 

Về thăm xứ lụa Tân Châu - Tuổi Trẻ Online

Dẫu kỹ thuật nhuộm hiện đại mang lại nhiều màu sắc, mẫu mã đa dạng cho lụa. Nhưng dù sao trong sâu thẳm tâm hồn của người dân Việt, những sắc màu mộc mạc thiên nhiên vẫn được ưu ái quay về tìm kiếm. Bởi chất liệu đến từ thiên nhiên tuyệt vời này đem lại cho người ta cảm giác an toàn, sự thoải mái, dễ chịu khi sử dụng lụa tơ tằm nhuộm theo cách truyền thống.

Ngỡ tưởng để được chứng kiến quy trình tỉ mỉ, kỳ công này chỉ có thể thực hiện được khi lặn lội về miền quê lụa, hay xem gián tiếp qua tivi, internet,.. nhưng không, người dân thành phố HCM đã có cơ hội nhìn ngắm trực tiếp quy trình này ngay tại thành phố hồi năm 2018 thông qua sự kiện mang tên “Chuyện kể xứ tằm tang”. Đây là một buổi trình diễn được công ty TNHH Tơ lụa Nhã Nam (Nhasilk) tổ chức nhằm giới thiệu tới người dân Thành phố Hồ Chí Minh về làng nghề lụa tơ tằm Mã Châu nổi tiếng hơn 600 năm tuổi của Quảng Nam và toàn cảnh quy trình sản xuất lụa thủ công truyền thống. Tại đây người dân còn được tự tay trải nghiệm quy trình làm lụa truyền thống vô cùng thú vị!

Bà Chúa "Tằm Tang"

Bên cạnh việc phô diễn quy trình để cho ra một tấm lụa hoàn mỹ theo phương pháp thủ công truyền thống do các nghệ nhân thực hiện, “Chuyện kể xứ tằm tang” còn giới thiệu đến du khách hình ảnh về phong cảnh, văn hóa, lịch sử dân tộc Việt Nam xuyên suốt 4000 năm văn hiến được trang trí trên những chiếc khăn choàng lụa thướt tha qua 7 khu vực trưng bày: “Hùng ca sử Việt”, “Văn hoá truyền thống”, “Danh lam thắng cảnh”, “Di tích lịch sử”, “Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, “Di sản văn hoá thế giới”, “Bộ sưu tập Quý Phi”.

Quy trình sản xuất lụa tơ tằm

 

0 ( 0 bình chọn )

Tơ Lụa Việt Nam

https://toluavietnam.net
Hiệp Hội Tơ Lụa Việt Nam Cổng Thông Tin Chia Sẻ Các Kiến Thức Hữu Ích, Các Câu Chuyện, Tin Tức Liên Quan Đến Ngành Lụa Tơ Tằm Việt Nam

Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm