Kiến Thức Về Lụa

Làng Lụa Nha Xá – Làng Lụa Lâu Đời Có Tiếng Tại Việt Nam

3591

Làng Nha Xá, Xã Mộc Nam, Huyện Duy Tiên , Tỉnh Hà Nam

Giới Thiệu Tổng Quan Về Làng Lụa Nha Xá 

Làng Lụa Nha Xá nằm trên bờ sông Hồng đỏ đậm phù sa cuồn cuộn chảy mang theo sức sống bồi đắp châu thổ. Vùng đất xinh đẹp này cũng là nơi có nghề dệt lụa nổi tiếng từ rất lâu trước đây. Lụa ở đây mềm mịn, đẹp và bền chắc được xếp thứ hai chỉ sau lụa Vạn Phúc (lụa Hà Đông). 

Dân làng tôn thờ Nhân Huệ Vương – Phiêu kỳ Đại tướng quân Trần Khánh Dư làm Thành hoàng làng, ông tổ nghề dệt lụa tại Nha Xá. Trong một lần du ngoạn trên sông Hồng thấy được vẻ đẹp của bãi sông, ông đã lên xem. Gặp được những người dân nghèo khổ nơi đây, ông đã hướng dẫn họ vớt cá hương (cá giống) trên sông về nuôi và trồng thêm dâu nuôi tằm, dệt lụa để cải thiện cuộc sống. Nghe lời dạy của ông, dân làm ra rất nhiều tấm lụa đẹp, cung cấp trong làng, trong tổng. Rồi cứ thế tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều thương lái tìm đến mua, có những lúc có cả nghề “gánh lụa thuê” ra sông Hồng đưa lên thuyền để thuyền chuyển về kinh thành hoặc chở đi phân phối ở các nơi khác. 

Hình ảnh: Làng lụa Nha Xá

Lịch Sử Hình Thành Làng Lụa Nha Xá

Không rõ người dân Nha Xá biết đến nghề dệt lụa cụ thể là thời điểm nào chỉ biết nghề trồng dâu, dệt lụa bắt đầu từ khi Đại tướng quân Trần Khánh Dư đến làng Nha Xá. Từ đó, có thể phỏng đoán thời gian hình thành làng lụa là vào cuối thế kỷ 13 và đầu thế kỷ 14. Nghề dệt lụa của người và làng Nha Xá cũng từ đó mà hình thành, được gìn giữ và truyền lại cho con cháu đời sau.

Đến đầu thế kỷ 18, các lái buôn ở Sài Gòn – Chợ Lớn đã đến làng Nha Xá để đặt hàng bởi chất lụa non tơ, óng mượt nức tiếng nơi đây. Nhưng đó chưa phải là tất cả, năm 1920 mới là thời điểm thịnh vượng nhất của làng dệt Nha Xá. Bởi lụa dệt ra bao nhiêu đều được đưa đi nước ngoài. Năm 1931, lụa Nha Xá đã xuất hiện tại hội chợ ở Phnôm pênh (Campuchia). Năm 1938, dự hội chợ Huế. Năm 1935, đã có 6 nhà tư sản Nha Xá có cửa hàng bán lụa ở Sài Gòn, Hồng Kông… Năm 1939, nghề dệt, nghề cá đều thịnh vượng. Năm 1959, phong trào hợp tác xã phát triển, cả Nha Xá là một hợp tác xã làm gia công cho Nhà nước, cả làng ăn gạo Nhà nước.

Đã có những nốt thăng thì những nốt trầm cũng là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là trong thời điểm ngành lụa Việt xảy ra nhiều biến cố. Chẳng nói đâu xa, cuối những năm 80, làng nghề chỉ còn lại một số hộ gia đình theo dệt với sản phẩm thông dụng như khăn, màn. Năm 1986, chuyển sang kinh tế thị trường, người dệt phải tự bươn chải và gặp không ít khó khăn từ tìm kiếm nguyên liệu đầu vào, trang bị máy móc, cũng như tìm thị trường tiêu thụ. Một nghệ nhân là tại làng lụa Nha Xá lúc bấy giờ, khi được hỏi ông đã chia sẻ rằng: “Lụa làm ra không bán được mà nguyên liệu để dệt lại thiếu thốn, quy trình dệt thủ công phức tạp. Làng nghề lâm vào thế khó, nhiều người đã tháo khung, có người cũng đã lên kế hoạch làm nốt vài mẻ nữa rồi cũng bỏ nghề”. 

Đúng vào thời điểm gian nan ấy, những người con của Nha Xá đã trở về với tin vui là đã tìm được đầu ra cho sản phẩm. Thế nên làng đã cải tiến máy móc rồi nhập về các loại tơ có chất lượng cao cấp hơn, dệt ra những tấm vải đẹp hơn, bền hơn. Các sản phẩm lụa Nha Xá làm ra ngày càng bán chạy hơn, từ đây làng lụa Nha Xá chính thức được hồi sinh.

Nguồn nguyên liệu dệt hiện nay được lấy từ Nhà máy tơ Lâm Đồng – nơi có nguồn hàng ổn định, chất lượng bảo đảm. Mỗi tháng, làng nghề cho ra khoảng 20.000 mét lụa, trong đó có 10.000 mét là lụa hoa, 10.000 mét là lụa trơn và các sản phẩm khác. Hiện tại, người tiêu dùng biết đến Nha Xá qua sản phẩm lụa hoa là nhiều nhất. Không những có chỗ đứng trên thị trường trong nước mà còn là sản phẩm được người dùng Nhật Bản, Hàn Quốc và Pháp rất ưa chuộng.

Hình ảnh: Người dân làng lụa Nha Xá đang phơi lụa

Hiện nay, hợp tác xã Nha Xá có 500 xã viên, trong đó 90% hộ dân tham gia dệt, với trên 350 lao động chính và 200 máy dệt. Những hộ gia đình có 2 – 3 máy dệt trong nhà, những hộ này thường khép kín các công đoạn từ thu mua nguyên liệu đến bán thành phẩm. Những xưởng lớn có hàng chục máy dệt, những máy dệt lớn chuyên dệt những sản phẩm có chất lượng cao cung cấp cho các thị trường cao cấp trong và ngoài nước là Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang Lào, Thái Lan…

Ngày nay, định hướng sản xuất của làng lụa Nha Xá là theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều gia đình đã thay khung gỗ thành khung sắt. Sản phẩm dệt ngày càng phong phú, đa dạng, nhiều cơ sở được mở ra tại các vùng như Lảnh Trì, Chuyên Ngoại, Hòa Mạc, Đồng Văn… đã tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm hộ gia đình.

Hình ảnh: Khâu dệt tự động hóa bằng máy móc

Sản Phẩm Nổi Bật Của Làng Lụa Nha Xá

Làng dệt Nha Xá đang từng bước hiện đại hóa các khâu sản xuất, bỏ dần nếp sản xuất thủ công. Trước đây, thợ dệt lụa phải làm đủ các công đoạn, nay đã chuyển sang chuyên môn hóa. Hộ dệt chỉ dệt, hộ nhuộm thì chuyên nhuộm. Chính vì vậy mà chất lượng sản phẩm được nâng cao, sản lượng lớn hơn. Nhiều mặt hàng mới ra đời như hàng đũi, tơ se, hàng lụa hoa, hàng lanh…, chất lượng, mẫu mã sản phẩm tiếp tục được nâng cao. 

Lụa Đũi Nha Xá

Những chiếc khăn lụa đũi dâu Nha Xá được dệt bởi những sợi dọc là sợi tơ mảnh và sợi ngang là sợi đũi, tạo cho khăn độ mềm và độ xốp đặc trưng. Quan trọng, sợi đũi là sợi được nhả từ tằm ăn dâu chứ không phải ăn sắn như thông thường. Và sợi đũi cũng là tơ tằm nguyên chất 100% được rút từ nhiều kén tằm và vê tay thủ công thành sợi nên sợi đũi thường lớn. Cũng do làm thủ công bằng tay nên dọc theo các sợi sẽ có những lằn tơ làm cho sợi không đều nhau nên khi chạm vào sản phẩm sẽ có cảm giác có chút thô, nhám.

Hình ảnh: Khăn lụa đũi Nha Xá

Lụa Hoa Nha Xá

Những trang phục may từ vải lụa hoa chiết xuất 100% tơ tằm tự nhiên, khi mặc vào sẽ cảm thấy thực sự thoải mái và không hề bị bết dính ngay cả khi cơ thể ra nhiều mồ hôi. Chính vì thế mà người ta thường dùng lụa hoa để may áo sơ mi cách điệu, jumpsuit (áo liền quần) cá tính hay những bộ váy liền, váy rời bay bổng. Và những tấm vải lụa hoa với màu sắc đa dạng, hoa văn trang nhã chính là loại vải hoàn hảo dành cho bạn. Đặc biệt, cùng làm từ sợi tơ tằm nên lụa hoa cũng sở hữu khả năng co giãn tốt, mềm mịn và mỏng nhẹ và bề mặt vải nhẵn bóng, ít bị nhăn và dễ dàng được làm sạch. Bạn chỉ cần giặt tay với xà phòng hoặc sữa tắm ngay sau khi mặc tại vị trí vô tình dính bẩn là bạn có thể dễ dàng xóa đi vết bẩn ấy rồi.

Hình ảnh: Lụa hoa – Làng lụa Nha Xá

Địa Chỉ Liên Hệ:

Làng Nha Xá, Xã Mộc Nam, Huyện Duy Tiên, Tỉnh Hà Nam

0 ( 0 bình chọn )

Tơ Lụa Việt Nam

https://toluavietnam.net
Hiệp Hội Tơ Lụa Việt Nam Cổng Thông Tin Chia Sẻ Các Kiến Thức Hữu Ích, Các Câu Chuyện, Tin Tức Liên Quan Đến Ngành Lụa Tơ Tằm Việt Nam

Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm