Dọc theo mảnh đất hình chữ S thân thương, không thể đếm cho hết những con người đang ngày đêm trăn trở với cái nghề truyền thống mà ông bà cha mẹ đã truyền lại cho mình. Thao thức đến không thể yên giấc khi mà các tinh hoa văn hóa ấy có thể sẽ bị mai một và dần chìm vào quên lãng, rằng các thế hệ trẻ mai sau sẽ không còn biết chúng là gì và ý nghĩa đến như thế nào nữa. Và trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về nghề “trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa”, tốn bao nhiêu công sức để làm ra những thước lụa óng ả, mịn mượt và mềm mại đến như vậy.
Giới Thiệu Tổng Quan Lịch Sử Phát Triển Lụa Việt
Trung Quốc được biết đến là quốc gia có lai lịch lụa tằm tơ đầu tiên trên Thế Giới. Từ đây thông qua con đường tơ lụa mà lụa tơ tằm, sản phẩm từ lụa tơ tằm cho đến kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa được truyền bá qua các nước Châu Á và các quốc gia Tây Phương.
Tại Việt Nam, nghề chăn tằm, ươm tơ được biết đến là đã có từ thời vua Hùng Vương thứ 6 do công chúa Thiều Hoa khởi nghiệp. Từ đó lụa tơ tằm được truyền bá rộng rãi khắp các vùng từ đồng bằng màu mỡ đến núi đồi cao nguyên Việt Nam tạo thành những làng nghề truyền thống với bề dày đến nay đã lên đến mấy trăm năm tuổi rồi. Thời nay, những người theo nghề dệt lụa thờ Thiều Hoa làm tổ nghề dệt lụa. Thời gian thấm thoát thoi đưa, lụa tơ tằm trở thành thứ vải “thượng hạng” của Việt Nam, mang ý nghĩa dân tộc sâu sắc.
Với sự kết hợp khéo léo giữa phương pháp sản xuất thủ công truyền thống và công nghệ tiên tiến, các sản phẩm lụa Việt hiện tại đã có vị thế ngang ngửa so với các nước có sản phẩm tơ lụa chất lượng cao khác trên thế giới. Trước đây ươm tơ bằng tay thì chất lượng tơ thấp, những người tay nghề chưa vững sẽ dệt ra tấm lụa không đều, không mịn. Ngày nay, công nghệ ươm tơ được đầu tư hiện đại hơn bằng các dãy máy ươm tơ tự động nên chất lượng tơ cao hơn, đẹp hơn, làm hài lòng các khách hàng ở thị trường khó tính như Nhật Bản, Ấn Độ với loại tơ chất lượng loại 1. Từ đây, có thể thấy lụa tơ tằm Việt Nam đã có những bước tiến không hề nhỏ. Không chỉ đơn thuần mang lại giá trị vật chất, lụa tơ tằm còn góp phần ghi danh lụa Việt trên trường quốc tế, và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ngàn năm.
Các Sản Phẩm Từ Lụa Tơ Tằm
Tùy theo mục đích sử dụng lụa cộng với sự sáng tạo của các nghệ nhân trong quá trình dệt lụa mà họ thay đổi số lượng sợi để se, điều chỉnh độ dày mỏng và cách đan. Để tạo ra nhiều loại vải lụa tơ tằm phong phú với đủ độ dày, mỏng, trong, bóng, mềm, cứng khác nhau như đũi, taffeta, lãnh, satin,…. Mỗi loại lụa này mang trong mình một ý nghĩa riêng, trở thành đặc trưng cho một làng nghề. Nhưng điều quan trọng nhất là tất cả chúng đều thỏa mãn được mong muốn người dùng kể cả những con người khó tính nhất.
Một Số Loại Lụa Phổ Biến Tại Việt Nam
Lụa lu10: là dòng lụa trơn dệt đan theo cách đơn giản nhất là đan nong mốt tương tự như đang rổ sẽ là một sợi đi lên và một sợi đi xuống, được dệt từ sợi tơ sống mảnh, nhỏ, 2 bề mặt vải như nhau.
The: là dòng lụa được dệt từ sợi tơ tằm đơn, không se sợi. Đặc điểm nhận dạng là chất vải mỏng, mềm mịn, có độ bay, sờ mềm tay và đặc biệt là có thể nhìn xuyên thấu, không có độ rũ nhiều nhưng mềm mại hơn organza. Bề mặt vải được kết cấu đan thủng mình tạo lỗ nhỏ trên mặt vải. Lỗ thủng bố trí dày và đều đặn về khoảng cách tạo độ mướt cho vải. Tuy nhiên chất vải không bóng bẩy, không nhìu ánh tơ như lụa Lu10.
Taffeta: được dệt nông mốt, các sợi ngang sợi dọc đan chặt mình, xử lý trước khi dệt nên vải hơi thô, ít bóng thường được dùng để may cà vạt hoặc áo sơ mi.
Gấm: là dòng sản phẩm cao cấp nhất và khó dệt nhất của tơ tằm. Sản phẩm này chỉ phục vụ cho vua chúa ngày xưa nhờ độ tỉ mỉ trong từng lượt thoi. Gấm là dòng sản phẩm dệt hoa văn nhiều màu đòi hỏi tính thủ công cao nhất. Sợi tơ được nhuộm trước khi dệt, việc bố trí màu sợi tùy vào độ khéo léo của người thợ dệt. Để sợi tơ màu đúng vị trí và không chùng sợi, tạo hoa văn sắc sảo, nổi bật trên nền sợi satin bóng bẩy. Sợi dọc của vải được dệt luồn xuống tạo nền vải còn sợi ngang được dệt đẩy mình để tạo hoa văn. Mỗi góc độ ánh sáng sẽ ánh lên tông màu khác nhau nhờ sự kết hợp hài hòa giữa các màu sợi.
Satin tơ tằm: thuộc dòng lụa trơn nhưng sợi vải được đan chéo mình, đẩy sợi dọc của vải ép nổi lên trên tạo lớp bề mặt mềm mịn như nhung. Còn mặt dưới được tạo từ sợi ngang đang chặt để giữ sợi dọc không chạy lệch xô dạt nên bêc mặt bóng mờ, không nổi trội như mặt trên của vải.
DO7: mình vải thô có sợi không đồng đều, lúc mỏng lúc dày có độ bóng nhẹ của tơ tằm, được dệt tương tự như đũi và gút bông xuất hiện thưa.
Lãnh: lãnh có hai mặt một mặt bóng và một mặt mờ do cách đan sợi, là dòng cao cấp của lụa được dệt bằng những sợi tơ rất nhỏ đan chặt mình tạo nên chất vải rất mềm mịn.
Đoạn: dòng hàng tương tự như lãnh và satin, duy chỉ khác nhau về số lượng sợi trên mỗi khổ và kích thước sợi.
Sa là loại tương tự như the nhưng bố trí xoắn sợi trong lúc dệt để đảm bảo chất vải mềm mỏng nhưng không dạt sợi.
Đũi: thuộc dòng thô ít bóng nền vải có rất nhiều gút bông khi sờ vào cảm giác tấm vải hơi cứng và nhám tay.
Một Số Sản Phẩm Thời Trang Và Đồ Dùng Được Làm Từ Lụa
Các Loại Trang Phục
Có rất nhiều trang phục được may từ lụa tơ tằm như áo dài, suit, váy, đầm, áo ngủ,… Và mỗi loại trang phục sẽ mang đến cho người dùng những trải nghiệm vẻ đẹp khác nhau.
Đối với áo dài thì lụa tơ tằm có lẽ là sự lựa chọn hoàn hảo nhất bởi sự mềm mại, quyến rũ, nhẹ nhàng ôm sát cơ thể một cách vô cùng tinh tế của lụa. Hơn nữa, sự thoáng mát, dễ chịu của lụa khiến cho người mặc có cảm giác thoải mái và đặc biệt là sự óng ánh của lụa khiến chiếc áo dài của bạn trông nổi bật hơn dưới mọi góc nhìn.
Tương tự như với các loại trang phục khác, sự mềm mại của lụa tơ tằm giúp bạn trở nên thu hút hơn, đẹp hơn trong mắt mọi người xung quanh vì một lẽ đương nhiên “Trang phục lụa tơ tằm là đại diện cho sự đẳng cấp và quý phái”
Các Loại Phụ Kiện Thời Trang
Khăn choàng lụa tơ tằm là phụ kiện thời trang công sở sang trọng không thể thiếu của một người phụ nữ sành điệu. Với mỗi chiếc khăn, bạn có thể sử dụng nhiều kiểu thắt khác nhau giúp tạo điểm nhấn cho trang phục đang mặc, hoặc làm phụ kiện đi kèm với phụ kiện khác như túi xách, nón, vòng tay,… Bạn có thể áp dụng phong cách khăn lụa này ngay cả khi đi làm hay khi xuống phố cùng bạn bè, vừa làm tăng lên sự trẻ trung, năng động lại có sự phá cách mới mẻ trong phong cách thời trang của mình. Các địa chỉ cung cấp khăn lụa nổi tiếng trong nước mà bạn nên cân nhắc chọn mua là Vạn Phúc, Sensilk, Nhasilk, Bảo Lộc silk, Toàn Thịnh silk,..
Bên cạnh khăn lụa điệu đà dành cho nữ thì cũng có một phụ kiện lụa tơ tằm nữa rất phù hợp với nam. Đó chính là cà vạt lụa . Cà vạt giúp cho các quý ông trở nên lịch thiệp và nổi bật hơn trên nền bộ suit vừa vặn, chỉn chu, sang trọng đồng thời giúp tôn lên sự đẳng cấp và địa vị trong xã hội của một quý ông.
Chăn, Gối, Nệm
Chăn, gối, nệm được làm từ lụa tơ tằm có độ xốp, mềm và độ liên kết rất cao. Vậy nên nhìn tổng thể chúng sẽ đẹp hơn hẳn so với khi được làm bằng các chất liệu khác bởi chúng hầu như không bị xô lệch, co lại hay vón cục, và được coi là sản phẩm gia đình tốt nhất trên thị trường hiện nay.
Sản phẩm sang trọng với những ưu điểm và chất lượng vượt trội như:
Mịn màng, ấm áp, thoáng khí, hút ẩm/mồ hôi, không gây ngứa ngáy, an toàn cho sức khỏe. Đây là vật liệu được các chuyên gia khuyên dùng cho trẻ nhỏ.
Cải thiện giấc ngủ: Tơ tằm là loại sợi tự nhiên được thế giới công nhận là loại chăn mềm mại và an toàn cho sức khoẻ nhất với 100% từ sợi tơ của con tằm. Chúng giúp đem đến cho người sử dụng cải thiện chất lượng giấc ngủ sâu hơn, ngon hơn, duy trì trạng thái dễ chịu bên trong chăn.
Bền lâu: Chăn tơ tằm có thể dùng từ 10 – 15 năm. Cách vệ sinh chăn vô cùng đơn giản, chỉ cần mang phơi nắng khô ráo là có thể cất đi mà không lo bị nhiễm khuẩn vì bản chất lụa tơ tằm đã có khả năng kháng khuẩn, virus tốt.
Giá Trị Văn Hóa, Yếu Tố Lịch Sử Nước Việt Trong Từng Thước Lụa Tơ Tằm
Ngày nay các làng nghề trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn Việt Nam. Đến với các làng nghề dệt lụa lâu năm, chúng ta không chỉ lựa chọn và mua sắm được tấm lụa tuyệt mỹ, mà còn được tìm hiểu, nghe kể những câu chuyện truyền thuyết xa xưa gắn liền với ngôi làng truyền thống này qua hệ thống đình chùa, miếu mạo, nơi thờ tổ nghề.
Các nghệ nhân không chỉ kiên trì bảo tồn và truyền đạt lại kỹ nghệ dệt thủ công truyền thống, mà còn không ngừng nỗ lực phát huy thế mạnh của làng nghề trong việc lưu giữ cội nguồn lịch sử lâu đời của dân tộc Việt. Thông qua các mẫu hoa văn độc đáo đậm chất Việt được in trên lụa như song hạc, tứ linh, hoa sen, cây tre,… và các vật đặc trưng cho văn hóa Việt đã góp phần đưa văn hóa nước ta đến gần hơn với bạn bè thế giới.
Ý kiến bạn đọc (0)