Kiến Thức Về Lụa

Lụa Tơ Sen – Tuyệt Phẩm Kết Tinh Từ Tinh Túy Của Quốc Hoa Việt Nam

5809

Lụa Dệt Từ Tơ Sen

“Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Nghe đến đây, chắc hẳn ai cũng đều mường tượng ra được trong đầu mình tuyệt tác lụa từ tơ sen đẹp đẽ, cao quý đến nhường nào.

Sen không những là loại cây được coi là “quốc hoa” của Việt Nam mà nó còn phổ biến và được trồng phát triển mạnh ở miền nam Châu Á và Australia. Người ta không chỉ khai thác được lợi ích từ hạt, hoa, ngó và lá sen, Myanmar (Miến Điện) – một quốc gia ở Đông Nam Á, được cho là nơi khai sinh ra các sản phẩm lụa làm từ tơ sen với lợi thế về những làng nghề dệt lụa tơ sen hơn 100 năm ở In Paw Khon.

Lụa Tơ Sen: Sản Phẩm Vô Cùng Độc Đáo Từ Cây Sen | Sen Đại Việt

Tương truyền rằng, một cô gái trong làng hái sen dâng lên ngôi chùa gần nhà và vô tình phát hiện những vết xơ tạo thành sợi từ chỗ cắt của thân cây sen. Sau đó, cô sử dụng chúng để quay rồi dệt nên một chiếc áo choàng cho tu sĩ. Kể từ đó, nhiều người dân trong làng chuyển từ dệt vải bông, tơ tằm sang dệt lụa từ tơ sen. Sự yêu thích đối với loại tơ này đã vượt qua khỏi ranh giới quốc gia và trở thành một trong những sản phẩm du lịch hàng đầu của Myanmar.

Đến thăm các xưởng dệt độc nhất này tại Myanmar, chắc chắn bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng những người tách sợi tơ sen hầu hết là đàn ông. Có thể thấy không phân biệt đàn ông hay đàn bà, những người dân làng nghề đều mong muốn bản thân có thể tự tay làm ra loại vật liệu tuyệt vời này. Bởi theo họ, sen là biểu trưng cho sự cao quý, thuần khiết, nó được dùng trong các nghi lễ Phật giáo như là các vật phẩm cúng dường để thể hiện sự tôn kính với Đức Phật.

Trước đây, trên thế giới chỉ có duy nhất vùng đất In Paw Khon, Myanmar dệt thành công loại tơ lụa độc đáo này. Thế nhưng hiện tại, những thước lụa tơ sen Việt Nam đầu tiên đã được dệt nên bởi người nghệ nhân ưu tú, tài hoa Phan Thị Thuận (65 tuổi ở làng Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội). Được biết, bà Phan Thị Thuận sinh ra và lớn lên trong một gia đình 3 thế hệ có truyền thống lâu đời làm nghề ươm tơ dệt lụa. Biết đến tơ sen và muốn tạo ra những thứ đẹp đẽ từ quốc hoa nước Việt. Tháng 1-2017, bà bắt đầu nghiên cứu về sen, tơ sen và lụa tơ sen. Không ngừng học tập, thử nghiệm đến tháng 6-2017, bà đã trồng được giống sen hồng đơn và rút thành công sợi tơ sen. Cuối năm 2017, bà hoàn tất công trình nghiên cứu của mình với sản phẩm khăn lụa tơ sen đầu tiên Việt Nam.

Tinh tế lụa tơ sen - Nhịp sống Hà Nội

Theo như bà chia sẻ: Lụa tơ tằm Việt Nam thì đã có từ lâu đời nhưng lại chưa có sản phẩm từ lụa sen, tơ sen. Bước đầu, gặp nhiều khó khăn do bà chưa từng nhìn thấy tơ sen hay các sản phẩm dệt từ sen, chưa biết sợi tơ sen được lấy từ đâu và như thế nào. Tuy nhiên với lòng yêu nghề và mong muốn mãnh liệt rằng sẽ giúp cho quê hương mình có thêm ngành nghề truyền thống, tạo được việc làm và thu nhập cho người dân. Đồng thời, góp phần giữ gìn và phát huy các truyền thống tốt đẹp mà cha ông truyền lại, bà đã quyết định bắt đầu công việc nghiên cứu của mình

Quy Trình Dệt Lụa Từ Tơ Sen

Để tạo ra các sản phẩm được làm từ lụa tơ sen cũng lắm công phu và vất vả. Tất cả các công đoạn tạo ra tơ sen đều được làm thủ công, rất cầu kỳ. Tơ sen được lấy từ các cuống sen, việc này khó hơn gấp nhiều lần so với tơ tằm truyền thống. Sợi tơ sen mảnh, rất dễ đứt nên phải vô cùng khéo léo, tỉ mẩn mới có thể rút được sợi tơ.

Nghệ nhân đầu tiên Việt Nam dệt vải từ tơ sen: Biến cuống sen thành chiếc khăn quàng giá cả triệu đồng

Cuống sen cũng phải được thu hoạch đúng kỹ thuật để tận dụng được tối đa lượng tơ. Cuống sen sau khi được đem về phải rửa sạch bùn và gai, cuống càng sạch thì sợi tơ càng trắng đẹp hơn. Tất cả chúng phải được xử lý trong 24 tiếng, nếu không cuống sẽ bị khô lại tơ bên trong sẽ hỏng hoàn toàn. Nếu ngâm trong nước thì cuống sen có thể bảo quản từ 2 đến 3 ngày tuy nhiên chất lượng tơ cũng sẽ không tốt bằng.

Người phụ nữ bẻ cuống sen để lấy tơ sen, một chiếc khăn quàng cổ đã có giá 4,5 triệu đồng

Toàn bộ quy trình tạo ra một chiếc khăn lụa tơ sen:

B1: Chọn lựa cuống lá phù hợp, bỏ đi lá và nụ sen

B2: Tiến hành rút tơ sen: Khi cắt lấy mũi dao khía vòng quanh cuống sen, cây già thì phải tỳ mạnh và cây non thì phải nhẹ tay sao cho chỉ vừa đứt được cuống sen không được đứt phần bên trong sẽ đứt mất sợi.

B3: Bẻ phần cuống sen vừa cắt sẽ thấy được các sợi tơ sen. Xoắn nhẹ và kéo từ từ để tạo chiều dài cho các sợi tơ. Sau đó là vê sợi, rút sợi (quy trình được thực hiện trên một chiếc bàn ẩm để khi vê sợi tơ có được độ săn tốt hơn)

B4: Mắc vào khung cửi và cho vào máy dệt.

1200 cuống sen mới được 10000m sợi tơ, 4800 cuống sen mới được một chiếc khăn sen dài 1,7m và một người thợ chăm chỉ, thạo việc một ngày cũng chỉ làm được từ 200-250 cuống là cao. Vậy nên, tính ra để hoàn thiện một chiếc khăn cũng phải mất đến một tháng.

Do những yêu cầu phức tạp và sự kỳ công trong từng công đoạn nên giá thành một chiếc khăn làm từ lụa tơ sen trung bình có giá trên thị trường vào khoảng 4 đến 5 triệu đồng, tùy loại. Cũng vì giá thành cao nên hiện nay, chúng chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng, hoặc phục vụ các dòng khách cao cấp, khách nước ngoài. Năm ngoái, xưởng của bà chỉ sản xuất được 12 chiếc khăn lụa tơ sen, ai muốn mua phải đặt trước vài tháng.

Dệt tương lai làng nghề'' từ tơ sen - Nhịp sống Hà Nội

Không chỉ thế, khi hết mùa sen, xưởng của bà Thuận cũng không thể sản xuất ra loại khăn từ loại tơ đặc biệt này. Vì thế việc dệt lụa từ tơ sen vẫn chỉ là việc làm thời vụ, chưa thể đưa vào sản xuất đại trà, nhân rộng

Các Sản Phẩm Làm Từ Lụa Tơ Sen

Tại Myanmar và các nước khác có nghề sản xuất tơ sen lâu đời, các sản phẩm từ lụa tơ sen rất đa dạng như quần áo, khăn choàng, áo gối, túi xách, ví tiền,… Không chỉ có vậy, các sản phẩm này còn vô cùng bắt mắt với nhiều màu sắc khác nhau và các hoa văn, họa tiết mang đậm nét văn hóa nước bạn.

Nguyễn Huệ Hải Ngoại: Lụa Tơ Sen Ở Myanmar

Ngược lại, Việt Nam chỉ vừa được phát triển thành công loại lụa tơ sen độc đáo này trong những năm gần đây nên sản phẩm từ tơ sen chỉ vỏn vẹn có chiếc khăn do bà Phan Thị Thuận làm ra. Các sản phẩm cũng chưa có được màu sắc bắt mắt, tuy nhiên màu sắc hiện tại của những chiếc khăn ấy cũng rất được yêu thích bởi nó tạo cho người mặc sự giản dị. Mong rằng trong tương lai không xa sẽ có nhiều hơn nữa sản phẩm từ lụa tơ sen Việt Nam.

Biến tơ sen, tằm kén thành khăn quàng cổ ấm áp ngày đông

Ở tơ sen có sự mềm mại và phảng phất mùi thơm nhẹ của sen – mùi của quê hương. Lụa sen được mệnh danh là viên ngọc quý nhất trong thế giới vải vóc. Sự cần mẫn, tỉ mỉ bà Thuận đã mang đến 1 làn gió mới cho tơ lụa Việt Nam, hy vọng trong tương lai không xa lụa tơ sen Việt Nam sẽ được ghi dấu trên thế giới. Không chỉ là giá trị của sự sáng tạo nơi những con người luôn đau đáu với cái nghề truyền thống của cha ông mà nó còn truyền cảm hứng và tình yêu đến cho thế hệ mai sau về những nét đẹp tinh hoa văn hóa dân tộc Việt.

5 ( 1 bình chọn )

Tơ Lụa Việt Nam

https://toluavietnam.net
Hiệp Hội Tơ Lụa Việt Nam Cổng Thông Tin Chia Sẻ Các Kiến Thức Hữu Ích, Các Câu Chuyện, Tin Tức Liên Quan Đến Ngành Lụa Tơ Tằm Việt Nam

Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm