Blog

Làng Dệt Bảy Hiền – Làng Dệt Truyền Thống Giữa Lòng Đô Thị Phồn Hoa

4885

Giữa lòng Sài Gòn ồn ào, náo nức, một làng dệt truyền thống vẫn hiện diện nơi đây. Âm thanh xình xịch, đều đặn phát ra từ những chiếc máy dệt vải truyền thống còn lắng đọng lại đó. Nhưng làng dệt Bảy Hiền có lẽ đã vãng những âm thanh kia từ lâu…

Một Thời Lẫy Lừng Đất Sài Thành

Làng dệt Bảy Hiền nức tiếng một thời ở TP. HCM nằm tập trung trên một số tuyến đường như Võ Thành Trang, Năm Châu, Nguyễn Bá Tòng… Thuộc góc ngã tư Bảy Hiền, địa bàn phường 11 (quận Tân Bình).

Những năm 50 – 60 thế kỷ trước, chiến tranh ác liệt, mảnh đất Quảng Nam bị tàn phá nặng. Nhiều người di cư vào Nam, chọn mảnh đất nay là phường 11 (quận Tân Bình) làm nơi sinh cơ, lập nghiệp. Một số hộ dân nhớ nghề dệt cũ ở quê hương, quyết tâm xây dựng lên làng dệt Bảy Hiền. Góp phần tạo nên một “xứ Quảng” thu nhỏ ngay giữa lòng đô thị. 

Thế hệ lão làng của làng dệt cho biết: vải Bảy Hiền bắt đầu có thương hiệu từ giữa thập niên 1960, khi nguyên liệu được nhập từ nước ngoài về. Các cơ sở đã thu hút hàng nghìn lao động. Sản phẩm làm ra một phần xuất khẩu sang nước ngoài, một phần bán lại cho tiểu thương người Hoa, khu Chợ Lớn.

Vào những năm 80 và đầu thập niên 90, làng dệt Bảy Hiền phát triển đến mức cực thịnh, là nơi cung cấp vải nhiều nhất cả nước. Toàn phường 11 hơn 4.000 hộ dân thì có đến 1.700 hộ làm nghề dệt, thu hút gần 4.000 lao động. Tổng sản lượng sản phẩm của làng dệt làm ra lên đến 35 triệu mét vải mỗi năm. Đặc biệt trong những năm 1980, làng dệt Bảy Hiền từng mang lại hơn 75% GDP cho quận Tân Bình. Một con số thật ấn tượng.

Hình ảnh: Những ống tơ óng ánh từ làng dệt Bảy Hiền

Những Nấc Thang Thăng Trầm

Những năm 1993 trở về sau, vải Bảy Hiền không đủ sức cạnh tranh với vải Trung Quốc nên thị phần dần bị thu hẹp khiến ngành dệt khựng lại. Từ năm 2001, thời cơ chế thị trường, làng dệt Bảy Hiền bị hàng quốc tế lấn át cả về giá thành lẫn mẫu mã, nhất là thị trường Trung Quốc. Các gia đình có điều kiện bắt đầu chuyển đổi từ máy dệt khung gỗ sang máy nước, máy kim, nhiều người hy vọng làng dệt Bảy Hiền có thể sống lại, bấm bụng bỏ ra số tiền từ vài chục đến vài trăm triệu đồng để đầu tư máy móc.

Hình ảnh: Những máy dệt đang hoạt động

Tuy nhiên, việc sản xuất số lượng ồ ạt, khiến vải tồn đọng ngày càng nhiều, tiền gia công giảm từ 5.000 đồng/m xuống còn 800 đồng/m, có lúc không đầy 800 đồng. Tiền vải bán ra không đủ bù tiền mua máy, cũng không gánh nổi tiền thợ. Nhiều cơ sở dệt cho công nhân nghỉ dần, chủ yếu người trong gia đình làm, nhưng tình hình cũng không khá hơn. Nếu lúc trước có đến 90% hộ làm nghề dệt, thì ngày nay chỉ còn chưa đến 20% hộ. Bởi thị trường Trung Quốc có nhiều mẫu mã đẹp, mà giá thành thì lại thấp nên làng dệt Bảy Hiền rất khó cạnh tranh. Họ chỉ trông nhờ vào các tiểu thương là mối quen biết đặt hàng, thì mới làm.

Nhớ lại những năm 80 – 90 thế kỷ trước, làng dệt Bảy Hiền hưng thịnh đến độ sản xuất vải cung cấp thị trường khắp cả nước. Sản phẩm của Bảy Hiền được ưa chuộng không chỉ bởi chất lượng tốt mà còn nằm ở sự đơn giản, hoa văn mang đậm nét tính cách giản dị của những người con xứ Quảng. Thế nhưng, câu chuyện dệt vải hôm nay còn lại như một tiếng thở dài nặng trĩu…

Làm Sao Để Tắt Tiếng Thở Dài

Bây giờ, đến làng dệt Bảy Hiền, nhắc đến quá khứ huy hoàng, người dân ở đây không ai không tự hào. Nhưng khi nghĩ về tương lai, làng dệt sẽ đi về đâu, những nghệ nhân cao tuổi không ai giấu nổi sự bâng khuâng. Làm gì để duy trì làng nghề là câu hỏi khó với những người làm nghề.

Thật không khỏi bâng khuâng với những chia sẻ từ nghệ nhân Nguyễn Thị Huệ: “Bây giờ chẳng mấy cháu làm nghề này nữa đâu. Suốt ngày phải đứng bên khung cửi, công việc rất vất vả mà thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Nghĩ đến tương lai của làng nghề thấy buồn lắm. Chỉ mong trước khi tôi nhắm mắt vẫn còn nghe được tiếng khung cửi”.

Hình ảnh: Những máy dệt cuối cùng ở làng dệt Bảy Hiền

Theo Chủ tịch UBND phường 11 (quận Tân Bình), ông Đỗ Thành Danh cho biết: nguyên nhân của sự mai một là do sự đối lập giữa truyền thống và hiện đại. Do có nhiều máy móc hiện đại hơn, sản phẩm cần rất ít nhân công, giá thành rẻ hơn hẳn. Trong khi đó, với nghề dệt thủ công, phải cần nhiều người đứng máy, tốn nhân lực mà sản phẩm làm ra không nhiều. Muốn giữ được làng nghề, phải lo được cuộc sống của những người làm nghề. Trước mắt, cần tìm hướng phát triển kinh tế cho những hộ còn giữ nghề truyền thống, để họ có thể vừa giữ được đam mê với khung cửi, con thoi, vừa đảm bảo được cuộc sống. 

Sự quan tâm của các cấp, các ngành liên quan sẽ là điều kiện, động lực giúp gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của làng nghề dệt Bảy Hiền.

Nếu ai cũng hướng đến các thứ mới mẻ, vậy những điều xưa cũ sẽ vương lại nơi đâu? Để làng dệt Bảy Hiền có thể sống lâu hơn nữa, chúng ta cần những hành động cụ thể hơn là ngồi đó cầu xin những phép màu từ thị trường.

0 ( 0 bình chọn )

Tơ Lụa Việt Nam

https://toluavietnam.net
Hiệp Hội Tơ Lụa Việt Nam Cổng Thông Tin Chia Sẻ Các Kiến Thức Hữu Ích, Các Câu Chuyện, Tin Tức Liên Quan Đến Ngành Lụa Tơ Tằm Việt Nam

Ý kiến bạn đọc (0)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm