Vải tơ chuối nghe có vẻ xa lạ nhưng đó lại là chất liệu đã có từ rất lâu đời, nguồn sợi tự nhiên này đã bị sụt giảm sau khi những loại sợi tiện lợi khác xuất hiện như sợi bông hay sợi tơ tằm trở nên phổ biến. Nhưng những năm gần đây, khi ngành công nghiệp thời trang hướng đến những chất liệu thân thiện với môi trường để thay thế cho sợi tổng hợp, sợi nylon vốn tiêu tốn và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường thì giá trị của những sợi tơ chuối lại được tìm về và sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới với nhiều ứng dụng thời trang và cuộc sống.
Vải Tơ Chuối Là Gì?
Tơ chuối có nguồn gốc từ chuối, từng được xem như là chất thải nông nghiệp và gây phiền toái cho các nông dân thì nay nó là nguyên liệu thô cho sợi chất lượng tốt tương đương với tơ lụa. Ngoài khả năng phân hủy sinh học, loại sợi tự nhiên làm từ thân cây chuối này còn bền chắc.
Thân cây chuối vốn xốp, bên trong có các vách dày liên kết với nhau, thân cây có một loại nhựa là hỗn hợp giữa cellulose, hemicelluloses và lignin. Tơ từ chuối tương tự như sợi tơ làm từ tre, có độ khỏe và chắc chắn. Sợi chuối có thể được dùng làm thành chất liệu dùng cho nhiều mục đích khác nhau tùy theo độ dày mỏng, dựa trên từng phần của thân cây chuối làm ra sợi. Phần vỏ cây chuối, có thể cho ra các sợi có độ dày lớn hơn, trong khi đó phần ruột cây chuối có thể cho ra sợi có độ mịn hơn.
Tính Chất Đặc Biệt Của Sợi Tơ Chuối
Ngày nay, sợi chuối được sử dụng khắp nơi trên thế giới với nhiều mục đích. Giá trị thương mại của sợi chuối đã tăng lên trong các năm qua. Chuyển đổi rác thải thành vải có thể sử dụng được và các sản phẩm khác là một thành tựu lớn nhờ những ưu điểm vượt trội của sợi tơ chuối như:
- Thấm mồ hôi: Vải từ các sợi này giúp bạn thông thoáng và giữ cho bạn mát mẻ vào những ngày nóng.
- Mềm mại và có độ bóng: Vải chuối mềm mại dù không mềm như bông hay rayon. Gần như tất cả các sợi có nguồn gốc từ thân cây hơi cứng và thô hơn vải bông và rayon. Độ bóng tự nhiên của chúng làm chúng nhìn rất giống lụa.
- Thoải mái: Vải sợi chuối rất thoải mái và hầu như không gây dị ứng.
- Phân huỷ sinh học
- Chống thấm: Chống thấm mỡ, nước, lửa và chịu nhiệt tốt.
- Độ bền: Ngay cả khi vải chuối được làm từ phần vỏ cứng bên ngoài nó không bền như những loại vải khác như vải gai dầu, tre hoặc các sợi tự nhiên khác.
- Cách điện: Nó không hoàn toàn cách điện.
- Khả năng kéo sợi và độ bền kéo: Nó tốt hơn các loại sợi hữu cơ khách về khả năng kéo sợi và độ bền kéo
Nhiều ưu điểm là vậy, nhưng việc sản xuất ra sợi chuối từ thân cây chuối không hề đơn giản. Quá trình rất vất vả, người ta phải vận chuyển những thân cây bị bỏ từ nhiều cánh đồng trồng trọt về bằng xe tải, tước vỏ cây thành từng lớp mỏng, sau đó bỏ vào máy để tách sợi. Sau đó, quá trình làm ra giấy bắt đầu. Còn vải phải qua một quy trình xử lý khác. Đầu tiên, những mảnh vỏ từ thân cây chuối được nấu sôi trong dung dịch kiềm để mềm và rã. Khi đã rã ra, người ra sẽ se sợi ướt để tránh sợi giòn gãy. Sau đó, là nhuộm màu cho sợi hoặc dệt thành vải.
Vải được làm từ sợi chuối có độ mềm và dẻo dai, cũng như độ thoáng khí và thấm hút tự nhiên, là một sản phẩm thân thiện với môi trường.
Vải Tơ Chuối Của Người Việt Trong Thư Tịch Cổ
Trong quá trình giao thương, buôn bán với người nước ngoài, đặc biệt với người Hoa, có một sự thật không thể phủ nhận, những sản phẩm hàng hóa của người Hoa thường rất tốt về chất lượng, màu sắc phong phú… Nên sản phẩm như gấm, sa, tơ, lụa…thường được tầng lớp quan lại, vua, chúa ưa chuộng; ngay cả dân cư đều yêu thích vì chất lượng tốt.
Ngược lại, những sản phẩm của người Việt cũng được người Hoa vô cùng yêu thích, như ngà voi, sừng tê giác, đồi mồi…Trong đó có một sản phẩm rất quý giá, được giới vua chúa, quan lại Trung Hoa đánh giá rất cao – Vải tơ chuối, một sản phẩm rất đặc trưng cho nền văn hóa nông nghiệp của người Việt.
Một Sản Phẩm Rất Đặc Trưng Cho Nền Văn Hóa Nông Nghiệp Việt Nam
Dệt vải, đó là nghề truyền thống của cư dân người Việt từ muôn đời nay. Các sản phẩm từ nghề dệt vải đều nguồn gốc từ cây cỏ, thảo mộc như: vải tơ tằm, vải đay, vải gai, bông… Tất cả đều nói lên đặc điểm của người Việt từ xa xưa, gắn bó, thân thuộc, hòa mình với tự nhiên, dựa vào tự nhiên để sinh tồn. Trong các loại vải đó, thì sản phẩm Vải tơ chuối đã trở thành đỉnh cao của kĩ thuật dệt của người Việt, được Trương Bột, học giả người Hoa trong sách Ngô Lục đánh giá rất cao “loại vải mịn như lượt là, mặc vào mùa nực thì mát lắm”.
Hiện nay, vải tơ chuối không thấy xuất hiện ở một vùng, hay một địa phương nào trong cả nước. Trong các di chỉ khảo cổ học, người ta cũng chưa thể tìm thấy những dấu tích của loại vải này. Mặc dù ngày nay không còn loại vải tơ chuối, nhưng dựa vào các tài liệu đã ghi chép như sách Quảng chí của Trung Quốc chép: “Ở Giao Chỉ, thân cây chuối xé ra như tơ, dệt thành vải gọi là tiêu cát, dễ rách, nhưng đẹp, màu vàng nhạt. Cũng gọi là vải Giao Chỉ.” Hay sách Ngô lục của Trương Bột ghi: “Vải tơ chuối dệt bằng sợi chuối, người Philippines gọi loại vải này là vải Abaku. Loại vải này mịn, một loại hàng đặc sản được người Trung Quốc ưa chuộng, họ gọi loại vải này là “vải Giao Chỉ”. Họ ca ngợi rằng đây là “loại vải mịn như lượt là, mặc vào mùa nực thì mát lắm”.
Một Đỉnh Cao Của Kĩ Thuật Dệt Vải Cư Dân Việt
Vải tơ chuối là một đỉnh cao của kĩ thuật dệt vải cư dân Việt, tuy nhiên loại vải này xuất hiện từ bao giờ thì đó lại là một ẩn số chưa có lời đáp? Hi vọng, trong thời gian tới, với sự nỗ lực của giới khảo cổ học, nhà sử học, chúng ta sẽ tìm thấy những dấu tích và khôi phục về một loại vải đã vang danh đất Việt.
Trải qua hàng nghìn năm phát triển, cư dân người Việt đã đưa kĩ thuật dệt lên một tầm cao mới, sánh ngang với các mặt hàng vải, lụa của Trung Quốc. Cùng với vải tơ tằm, vải đay, vải gai, vải bông…thì vải tơ chuối là đỉnh cao trong các loại vải của cư dân Việt. Nó đã chứng minh cho lối ăn, mặc, ở của cư dân Việt luôn gần gũi, gắn bó với thiên nhiên.
Ý kiến bạn đọc (0)