Blog

Thủy Ấn – Bức Tranh Bước Ra Từ Mặt Nước

2643

Tựa như nàng tiên bước ra từ vỏ ốc xấu, Tranh Thủy ấn là một tác phẩm nghệ thuật bước ra từ mặt nước loang lổ màu. Ta tự hỏi, điều gì đã làm nên một tác phẩm độc đáo như thế?

Thủy Ấn

Nghe thì rất lạ nhưng thực sự món nghệ thuật này có tuổi đời thuộc hạng lão làng trong làng nghệ thuật thế giới. Thủy ấn là phương pháp vẽ, thiết kế trên bề mặt, tạo vân màu. Các hoa văn tinh tế sẽ được tạo ra trên giấy khi màu mực nổi trên mặt nước. Để thực hiện một bức tranh Thủy ấn, các họa sĩ sẽ thả màu trên mặt nước, di chuyển nhẹ nhàng các vệt màu để tạo các mô hình với độ lan tỏa như khói. Sau đó chuyển nhẹ nhàng lên bề mặt thấm hút và tạo ra một bức tranh hội tụ đủ những tầng ý nghĩa và màu sắc hài hòa.

Mỗi bức tranh Thủy ấn là một tác phẩm độc nhất vô nhị vì sự di chuyển và tạo mô hình trên mặt nước là việc không thể lập lại và sao chép. Điểm đặc biệt này khiến tranh Thủy ấn có giá trị nghệ thuật. Thủy ấn đôi khi vẫn được gọi bằng tên gốc tiếng Thổ Nhĩ Kỳ – Ebru.

Hình ảnh: Nghệ thuật vẽ tranh Thủy ấn

Ngược dòng lịch sử để thấy, nghệ thuật Thủy ấn đã được bắt đầu từ những năm 1100, ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Ba Tư. Mặc dù những bức tranh Thủy ấn sớm nhất vẫn còn tồn tại là của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ từ những năm 1400. Tranh Thủy ấn sử dụng cho mục đích trang trí là chủ yếu, bên cạnh đó nó cũng là nền của các tài liệu và chữ ký chính thức nhằm ngăn chặn việc tẩy xóa và giả mạo. Môn nghệ thuật đã được đưa đến Tây Âu bởi những người thập tự chinh và đến những năm 1600, Pháp và Hà Lan ngày càng trở nên nổi tiếng về chất lượng giấy của họ. Những tác phẩm Thủy ấn đã trở thành một phần thiết yếu của đóng sách, với các tờ giấy được đặt ở bìa bên trong của tất cả các cuốn sách hay, đây vẫn là một trong những cách sử dụng chính của tranh Thủy ấn ngày nay. Thủy ấn không chỉ là một nghệ thuật cổ, mà nó còn được phổ biến rộng rãi.

Trong khi phương pháp Ebru được phát triển ở Thổ Nhĩ Kỳ thì còn tồn tại một phương pháp nghệ thuật Thủy ấn khác mang tên Suminagashi – phát triển mạnh mẽ ở Nhật Bản từ rất lâu về trước. Suminagashi có nghĩa là “mực nổi” là một nghệ thuật Thủy ấn được phát triển ở Nhật Bản. Suminagashi là một hình thức lịch sử của Thủy ấn vẫn còn được thực hiện cho đến ngày nay. Như tên của nó, Suminagashi được tạo ra bằng cách thả mực vào nước. Thông thường, tác động từ giọt mực sẽ lan ra thành một vòng tròn. Sau đó, nghệ sĩ sẽ thả một giọt mực khác vào giữa vòng tròn trải rộng. Khi mực kia cũng loang ra, họ tiếp tục vẩy giọt mực khác vào. Phong cách Suminagashi ban đầu được hình thành từ các vòng tròn đồng tâm chảy và hình thành với sự xáo trộn trong nước. Sau đó, nghệ sĩ sẽ điều khiển mô hình bằng cách thổi qua mặt nước, sử dụng hơi thở hoặc quạt để tạo hình cho mực.

Vào những năm 1890, nghệ thuật Thủy ấn bị coi là kỳ quặc và lỗi thời, đối mặt với bờ vực của sự xóa sổ. Cuối cùng, một vài trong số những người nghệ nhân còn lại bắt đầu xuất bản các phương pháp và công thức Thủy ấn gia đình quý giá hàng thế kỷ của họ để lưu lại món nghệ thuật độc đáo này. Và bây giờ, đột nhiên, hơn 120 năm sau, có nhiều người tìm hiểu và học môn nghệ thuật tuyệt đẹp này hơn bao giờ hết trong lịch sử dù hầu hết mọi người làm điều đó chỉ như một sở thích.

Nghệ Thuật Vẽ Thủy Ấn – Long Lanh Mặt Nước In Màu

Video: Tranh thủy ấn tái hiện tác phẩm “Starry Night” của Van Gogh của nghệ sĩ Garip Ay

Vẽ tranh trên nước đòi hỏi tính sáng tạo cao, khéo léo và điều chỉnh được tốc độ vẽ, kiểm soát được các đường nét vì chúng chuyển động trên mặt nước chứ không đứng yên. Nhưng cũng nhờ nước đưa đẩy mà các nét vẽ sẽ trở nên mềm mại, uyển chuyển, những vẩy màu cũng tròn trịa một cách đáng kinh ngạc…

Nhìn chung, dù ở bất kì đâu và vẽ Thủy ấn theo kỹ thuật nào thì mực vẽ vẫn có chung các đặc điểm như mực được pha chế theo bí quyết riêng, có độ sánh phù hợp, không tan trong nước và kiểm soát được sự dịch chuyển của nét vẽ trên nước. Đồng thời lớp sơn màu cũng được pha trộn để có thể nổi trên mặt nước, có độ lan rộng phù hợp và dễ chuyển qua các chất liệu khác như: giấy, lụa, gỗ…

Để thực hiện dòng tranh độc đáo này, “đồ nghề” cần có cũng không bình thường chút nào. Mặt nước để “vẽ” ở đây thực chất là một dung dịch lỏng có hòa trộn chất naphtha (là thành phần có trong dầu mỏ) hoặc các chất nhầy có nguồn gốc từ thực vật. Thứ “nước” đặc biệt này sẽ làm chất màu không hòa tan và nổi trên bề mặt nước, các nét vẽ không bị nhòe. Còn giấy để lưu lại bức tranh khi áp lên mặt nước có thể là giấy washi của Nhật Bản hoặc các loại giấy đã qua bước xử lý quét phèn phơi khô. Ngoài ra còn các dụng cụ khác (như bàn chải, lược cào…) để  “cào” loang các giọt màu thành các họa tiết khác nhau.

Hình ảnh: Dụng cụ cần thiết để vẽ tranh Thủy ấn

Với một khay đựng thế này, đầu tiên chúng ta phải thấm hút sạch bọt khí phía trên bề mặt, khiến cho có được một mặt nước láng o và phẳng như… giấy vẽ vậy đó. Sau là pha dung dịch hỗn hợp từ nước với dung môi chuyên dụng.

Hình ảnh: Làm phẳng bề mặt dung dịch

Sau khi đã chuẩn bị xong dung dịch vẽ Thủy ấn thì dùng màu vẽ, nhỏ giọt theo hình thù mình muốn tạo lên bề mặt dung dịch. Với mặt nền mong manh như thế này nên không thể tì nét hay đánh bóng, làm đủ trò với màu như ở bề mặt giấy cứng được, ta chỉ có thể dùng cọ hoặc các dụng cụ khác kéo cho màu chạy loang trên bề mặt. Nhờ dung dịch đặc biệt ổn định màu và làm nổi màu khiến những đường kéo màu này rất nghệ thuật.

Hình ảnh: Họa sĩ vẩy mực tạo hình

Bước cuối cùng để dễ dàng lưu lại tác phẩm chính là dùng một tờ giấy được xử lý phèn nhẹ nhàng đặt lên bề mặt của khay và cho nó hấp thụ các màu nổi. Chỉ có một bản in có thể được thực hiện. Thế nên, mỗi bức tranh đều mang một dấu ấn riêng biệt. Dù có muốn tạo nên hai tác phẩm giống hệt nhau cũng khó vì không phải lần kéo loang màu nào cũng có thể tạo nên những mảng màu sắc giống hệt nhau.

Và thế là ta đã có một bức tranh Thủy ấn vô cùng ấn tượng như thế này.

Hình ảnh: Tranh Thủy ấn hoàn chỉnh

Những Ứng Dụng Vượt Ngoài Giá Trị Nguyên Bản

Thuỷ Ấn là một nghệ thuật rất biểu cảm. Mỗi bản in là đỉnh cao của một màn trình diễn nhỏ trong đó nghệ sĩ tương tác với một môi trường dung dịch lỏng tiết lộ tính khí của họ cho dù bạn là một thợ thủ công khó tính hay thích thử nghiệm, quá trình vẽ Thuỷ Ấn sẽ thể hiện bàn tay và thẩm mỹ chính mình.

Hình ảnh: Tranh Thủy ấn trang trí nhà

Tranh Thủy ấn là một nghệ thuật trang trí độc đáo đầy tính trừu tượng, nghệ thuật. Bức tranh góp phần làm không gian sống của bạn thêm nổi bật, sinh động. Một không gian sống hiện đại không thể thiếu đi các mẫu tranh và bức tranh sẽ thể hiện gu thẩm mỹ, sự tinh tế của gia chủ. 

Hình ảnh: Ứng dụng của nghệ thuật Thủy ấn

Cùng với chức năng quen thuộc như trang trí sách, nghệ thuật Thủy ấn được biến tấu và cải tiến theo cuộc sống ngày nay như trang trí đồ gốm, tạo hình thức ăn,… Capuchino quả thực là những bức vẽ trên mặt nước cà phê khiến chúng ta liên tưởng dễ dàng tới loại hình vẽ tranh trên mặt nước được nhắc đến ở trên. Bên cạnh đó ở lĩnh vực thời trang và làm đẹp, nghệ thuật Thủy ấn được các nhà làm đẹp ứng dụng để làm đẹp bộ móng cho hội chị em.

Đặc biệt hơn cả khi nghệ thuật Thủy ấn cổ lại được kết hợp cùng lụa tơ tằm – sản phẩm mang nhiều giá trị văn hóa dân tộc. Trên thị trường vốn đang bày bán nhiều sản phẩm từ vải được vẽ màu trang trí. Tuy nhiên, cách vẽ này có nhược điểm là khiến mặt vải bị cứng, phần màu rễ bị rạn sau một thời gian sử dụng. Muốn bền, màu vẽ phải thấm vào từng sợi vải, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tinh tế theo đúng ý đồ của họa sĩ mà sản phẩm vẫn mềm mại như nguyên bản.

Hình ảnh: Khăn lụa được vẽ Thủy ấn

Để có thể vẽ được trên lụa, người thợ phải biết tính toán độ ấn của bút, dùng mực chặn để kiểm màu không bị loang. Từ một tấm lụa trắng, phương pháp Thủy ấn giúp người thợ tạo nên hoa văn bằng cách vẩy màu trên nước sau đó mới nhẹ nhàng đặt lụa lên. Thủy ấn trên vải lụa không chỉ là những vệt màu mềm mại, uyển chuyển trên nền lụa nền nã, nhẹ nhàng mà còn có cả những bức vẽ riêng như phong cảnh đồng quê, Tháp Rùa, chùa Một Cột, hoa sen, cúc…

Sản phẩm lụa vẽ Thủy chỉ độc bản, không bức nào giống bức nào. Sự độc đáo, điêu luyện trong từng tác phẩm lụa vẽ tay đã chinh phục được khách hàng trong và ngoài nước, đến với với nhiều tỉnh, thành, quốc gia ở châu Á, châu Âu… Thật không có mấy khi một vật phẩm nào đó lại hội tụ trong mình hai giá trị văn hóa, một giá trị văn hóa dân tộc – lụa và một giá trị nghệ thuật nhân loại – Thủy ấn.

0 ( 0 bình chọn )

Tơ Lụa Việt Nam

https://toluavietnam.net
Hiệp Hội Tơ Lụa Việt Nam Cổng Thông Tin Chia Sẻ Các Kiến Thức Hữu Ích, Các Câu Chuyện, Tin Tức Liên Quan Đến Ngành Lụa Tơ Tằm Việt Nam

Ý kiến bạn đọc (0)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm