Blog

Làng Lụa Cổ Đô “Chính Tông Lụa Cống Các Cô Ưa Dùng”

1718

Làng Cổ Đô là một làng quê nhỏ bé nằm nép mình bên dòng sông Đà cuộn sóng. Đất Cổ Đô là đất cổ tên là An Đô, sau lại đổi là An Bang, thuộc huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây, nay thuộc xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội . Xưa làng không những nổi tiếng với nghề dệt lụa (lụa Cổ Đô là loại lụa tiến vua) mà còn có truyền thống hiếu học nức tiếng muôn phương.  

Cổ Đô Xưa

Nghề dệt lụa Cổ Đô xưa gắn liền với bà tổ nghề là Công chúa Thiều Hoa con Vua Hùng Vương thứ 6. Tương truyền, công chúa Thiều Hoa, con gái vua Hùng từ thành Phong Châu sang Cổ Đô dạy dân nghề dệt lụa. Cứ thế phát triển lụa làng Cổ Đô trở thành sản vật tiến Vua và đi vào câu ca dao vang tiếng muôn đời:

“Lụa này thật lụa Cổ Đô

Chính tông lụa cống các cô ưa dùng”.

Hình ảnh: Làng Cổ Đô xưa

Cổ Đô xưa đẹp với dải lụa óng ả, mượt mà, và Cổ Đô cũng đẹp bởi những con người tài hoa, hiếu học như Thượng thư bộ Lễ Nguyễn Sư Mạnh vì nhà nghèo, cha mất sớm nên 27 tuổi ông mới lều chõng đi thi và đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484). Sau Nguyễn Sư Mạnh vì có công lao mà được ban quốc tính (họ Lê) làm quan tới Thương thư bộ Lễ, tước Sùng Tín hầu. 

Làng Cổ Đô có tới hai ông Thượng thư. Thượng thư thứ hai là Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân là tác giả của bài Ngã Ba Hạc Phú nổi tiếng. Người thời bấy giờ gọi ông là một trong “An Nam tứ đại tài” (Bốn người giỏi nhất nước Nam). Đó là bốn ông: Nguyễn Trác Luân, Nguyễn Tông Khuê, Ngô Tuấn Cảnh và Nguyễn Bá Lân. 18 tuổi, Nguyễn Bá Lân dự kỳ thi Hương và đỗ đầu kỳ đó, gọi là đỗ Giải nguyên. Hai năm sau, ông lại đỗ kỳ thi Hội và đến khoa thi Đình năm Tân Hợi, niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3 (1731) Nguyễn Bá Lân đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Ông đã từng làm Thượng thư ở 6 bộ của triều Lê, được phong tước Lễ Trạch hầu, hàm Thiếu bảo, bậc Ngũ hầu Lão Chúa. 

“Đồn rằng Hà Nội vui thay

Vui thì vui vậy chưa tày Cổ Đô

Cổ Đô trên miếu dưới chùa

Tròng làng lắm kẻ nhà Nho có tài.

Sinh ra hoa cống hoa khôi

Trong hai khoa ấy thì tài cả hai.”

Và đây tiếng của sinh họat đời thường đã dội vào ca dao:

“Gái thì giữ việc trong nhà

Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa

Trai thì đọc sách ngâm thơ

Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa.”

Cổ Đô Hôm Nay – Làng Nghề Của Hội Họa

Làng Cổ Đô là làng lụa, làng thơ, làng họa sĩ. Ngôi làng nhỏ bé được ôm ấp bởi lũy tre xanh ngăn ngắt, bởi dòng Hồng Hà trằn sóng đỏ, bởi dải đê như tấm khăn lụa hồng choàng lên cánh đồng xanh rợn sóng lúa lại càng trở nên đẹp đẽ với sắc màu hội họa. 

Hình ảnh: Bảo tàng mỹ thuật Cổ Đô

Có phải vì sắc màu quê hương Cổ Đô đẹp là vậy mà làng Cổ Đô được trời phú cho một nét đẹp văn hóa nữa: Làng họa sĩ không? Thật vậy, Làng – họa sĩ, ba tiếng ấy nói lên đầy đủ một nét đặc trưng nữa của làng Cổ Đô. Ai có thể ngờ rằng, cái làng nhỏ bé ấy ở rất xa trung tâm văn hóa lớn mà có tới gần hai chục họa sĩ và người làm hội họa được đào tạo chính quy tại hai trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, hoặc chí ít thì cũng được đào tạo tại Trường Cao đẳng sư phạm Nhạc -Họa trung ương..

Nói đến giới họa sĩ Cổ Đô, phải nhắc tới họa sĩ lão thành Sĩ Tốt với những bức tranh nổi tiếng: Tiếng đàn bầu, Bế con… đang được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia. 

Hình ảnh: Bức tranh Tiếng đàn bầu của họa sĩ Sĩ Tốt

Nhiều bức tranh của họa sĩ hiện đang được lưu giữ tại các Viện Bảo tàng lớn ở Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Điển, Ba Lan… Với gần 1000 bức tranh (trong đó có 100 bức vẽ hoa) được vẽ trong suốt cuộc đời nghệ sĩ của mình, tên tuổi và vị trí Sĩ Tốt mãi mãi được ghi nhận trong lịch sử Mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Điều rất đáng nói về ông là, từ ông và do ông dìu dắt mà lớp lớp họa sĩ trẻ của làng ra đời, trưởng thành và được khẳng định trong giới. Đó là các họa sĩ Sĩ Tuấn, Sĩ Thiết, Ngô Bình Thiểm, Sao Mai, Giang Khích, Nguyễn Thạch, Trần Hòa và nhiều người khác nữa. Nhận thấy việc phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo những mầm non nghệ thuật phải kịp thời và cần thiết, nên trong cuộc đời họa sĩ của mình nhất là kể từ khi về hưu tại quê nhà, họa sĩ Sĩ Tốt thường xuyên tổ chức các lớp dạy vẽ tại nhà với ý thức trách nhiệm và lòng yêu thương sâu sắc nhất.

Với lớp lớp trò nhỏ của ông, đều không phụ công dạy bảo của thầy đều đã trưởng thành. Mỗi người công tác ở mỗi cơ quan khác nhau (ở đài truyền hình, ở trong quân đội, trong các trường sư phạm, trường nghệ thuật hay ở các câu lạc bộ) song họ đều nghĩ về quê hương, nghĩ về thầy, nghĩ về đồng nghiệp lại càng tăng thêm tinh thần trách nhiệm và ý thức vươn lên về mọi mặt.

Cổ Đô Làng lụa, làng thơ, làng họa sĩ. Bấy nhiêu đặc trưng của một làng quê có thể tóm tắt bằng mấy chữ này: Cổ Đô – Làng văn hóa. Cổ Đô xưa và nay có được những vẻ đẹp văn hóa ấy, chính là do nó được xây dựng trên một cái nền học vấn, nền tảng ấy do người dân bao đời san đắp, tạo dựng. Người Cổ Đô có truyền thống hiếu học. Đất Cổ Đô là đất học. Thời phong kiến, Cổ Đô rạng rõ với những ông Nghè, ông Cống; sang thời Pháp, làng quê này lại tự hào với những Cử nhân, Tú tài Tây học, và giờ đây ngót 300 Cử nhân, Phó Tiến sĩ của làng càng làm người Cổ Đô tự hào hơn. Trọng học, người dân Cổ Đô, dù còn nhiều khó khăn vẫn cố gắng góp công, góp của xây dựng trường sở, động viên con em mình học hành để chờ đón những vận hội mới của quê hương đất nước vì một nước Việt Nam phồn vinh. Nhịp sống Cổ Đô xưa đã vui vẻ là thế, mong Cổ Đô sẽ mãi xứng đáng với lời đồn:

Đồn rằng: Hà Nội vui thay

Vui thì vui vậy, chưa tày Cổ Đô.

0 ( 0 bình chọn )

Tơ Lụa Việt Nam

https://toluavietnam.net
Hiệp Hội Tơ Lụa Việt Nam Cổng Thông Tin Chia Sẻ Các Kiến Thức Hữu Ích, Các Câu Chuyện, Tin Tức Liên Quan Đến Ngành Lụa Tơ Tằm Việt Nam

Ý kiến bạn đọc (0)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm