Blog

Kỹ Thuật Trồng Dâu Nuôi Tằm Truyền Thống Có Gì Đặc Biệt?

3174

Mồ hôi mà đổ xuống đồng  

Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương  

Mồ hôi mà đổ xuống vườn  

Dâu xanh lúa tốt vấn vương tơ tằm.

hay 

Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng.

Đều là những câu ca dao, câu thơ thể hiện sự vất vả của những người nông dân trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm. Lúa tốt dâu xanh không phải tự nhiên mà có được, chúng đều được đổi bởi mồ hôi của những con người yêu lao động, yêu ruộng đồng, yêu cái nghề mà cha ông truyền lại cho mình. Làm gì có nghề nào vất vả hơn nghề nào, chỉ có người làm nghề cùng nhau mới thấu được nỗi lòng của nhau. Cả đời người song hành, gắn bó thử hỏi có ai không dùng lòng, dùng tâm. 

Đơn cử đó là nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống. Nỗi nhọc nhằn, buồn vui của nông dân gắn liền với những giai đoạn thăng trầm, thịnh suy của cái nghề “ăn cơm đứng” này. Dẫu vậy, họ vẫn luôn nỗ lực để nghề truyền thống không bị mai một mà ngày càng phát triển. Gìn giữ và lan tỏa các giá trị tinh hoa văn hóa đến với thế hệ trẻ và bạn bè năm châu.

Kỹ Thuật Trồng Dâu

Chọn Giống Dâu Trồng

Bắt đầu trồng cây dâu ở năm thứ nhất, bước đầu phải chọn được giống dâu trồng. Dâu là cây trồng lâu năm, do vậy việc chọn giống trước khi trồng sao cho phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng khí hậu và tập quán thâm canh của từng vùng để cây có thể sinh trưởng tốt và đạt năng suất cao.

Cho đến hiện tại có rất nhiều giống dâu đang được trồng. Nhìn chung, ta có thể phân thành 4 nhóm dâu chính sau:

–  Nhóm giống dâu địa phương: Chúng có ưu điểm là khả năng sinh trưởng khỏe tại vùng khó khăn, đất nghèo dinh dưỡng cùng với khả năng chống chịu sâu bệnh trong điều kiện ngoại cảnh bất lợi khá tốt, nhưng năng suất lá thấp, lá nhỏ, mỏng, có nhiều hoa quả.

–  Nhóm giống dâu tam bội thể trồng bằng hom: Ưu điểm của nhóm này là lá to, dày, sinh trưởng khỏe. Năng suất lá lớn hơn 35 tấn/ha/năm với chất lượng lá tôt (Hàm lượng Protein trong lá đạt 21 – 22%). Nhược điểm là do nhân giống bằng hom nên khả năng chống chịu sâu bệnh kém, nếu trồng trong điều kiện ngoại cảnh bất lợi như chịu hạn, úng thì sẽ khó có thể mở rộng diện tích trồng do rủi ro khá cao. Nhóm giống này phù hợp với đất bãi ven sông ở vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc.

–  Nhóm giống dâu lai F1 trồng bằng hạt: Giống có ưu điểm là thời vụ trồng quanh năm, hệ số nhân giống cao (1kg hạt có thể trồng 4 – 5 ha), thích ứng được với nhiều vùng sinh thái khác nhau (đất bãi ven sông, ven biển, đất đồi…), thời gian thu hoạch dài hơn so với trồng hom và có khả năng chống chịu sâu bệnh khá tốt. Lá to, dày, mềm và bóng, cho năng suất khoảng 35 – 40 tấn/ ha/ năm, chất lượng lá tốt (Protein trong lá 22-23%). Nhược điểm là do nhân giống bằng hạt nên phải qua giai đoạn trong vườn ươm từ 50 – 60 ngày. Nhóm giống dâu này thích hợp trồng ở vùng đất bãi ven sông, ven biển, đất đồi các tỉnh phía Bắc và miền Trung.

– Nhóm giống dâu nhập nội: Nhìn chung chúng là các giống dâu nhập từ Trung Quốc có khả năng sinh trưởng khỏe, lá to, năng suất lá khá khoảng 35 tấn/ha/năm. Nhược điểm là giống không thuần, phân ly nhiều. Một số giống lá mỏng, nháp, dễ nhiễm bệnh bạc thau, rỉ sắt cao hoặc là nảy mầm vụ xuân rất muộn. 

Hình ảnh: Giống dâu TBL-03

Chuẩn Bị Đất Trồng Dâu

– Chọn vị trí đất: Tùy theo giống cây đã chọn là gì để từ đó chọn loại đất phù hợp. Tuy nhiên đất trồng dâu phải đảm bảo thoát nước, không bị ngập úng lâu ngày. Tuyệt đối không nên trồng dâu ở gần khu vực có các ống khói nhà máy, hóa chất độc. Nếu có thể thì nên quy hoạch vùng trồng riêng. Tránh trồng xen kẽ với các loại cây trồng khác như lúa, rau màu, thuốc lá…, vì khi sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu cho các cây trồng đó sẽ ảnh hưởng đến lá dâu nuôi tằm, ảnh hưởng đến con tằm sau này.

– Thiết kế ruộng dâu: Dâu là cây lâu năm, sau 15 – 20 năm mới cần phải trồng lại. Do đó phải tính toán thiết kế ruộng dâu để thuận tiện cho việc chăm sóc như bón phân, tưới tiêu và thu hoạch. Trước khi trồng dâu, phải tiến hành điều tra xác định một số yếu tố về đất, nguồn nước tưới, tiêu để xác định các loại vật tư, phân bón chi phí cần đầu tư.

Làm Đất

– Cày bừa: đất cho trồng dâu phải được cày, bừa với độ sâu 20-25cm  trước khi trồng từ 1-2 tháng để đất phong hóa hết. Bừa kỹ cho đất nhỏ và thoáng khí.

– Đào rạch: Đối với các giống cây khác nhau thì kích thước rạch (hố) cũng khác nhau. Nếu trồng dâu bằng cây con gieo từ hạt: rạch đào sâu 30 cm, rộng 30 cm. Còn trồng dâu bằng hom thì rạch đào sâu 40 cm, rộng 40 cm. 

– Phân bón: đối với dâu mới trồng cần phải bón phân trước khi trồng. Phân hữu cơ 25 – 30 tấn/ha, phân vô cơ: lân 800 kg, kali 270 kg/ha. Bắt đầu rải từ phân hữu cơ tiếp đến phân lân và kali, sau đó lấp đất trở lại rãnh, lớp đất trên mặt khi nãy đào lên cho xuống trước còn lớp đất phía dưới cho xuống sau.

Mật Độ Trồng

Tùy thuộc vào loại đất, giống cây trồng, phương thức canh tác và điều kiện đầu tư mà xác định mật độ trồng hợp lý. Thông thường trồng hàng cách hàng 1,2 – 1,5m, cây cách cây 0,2 – 0,3 m (khoảng 4- 5 vạn cây/ha).

Hình ảnh: Làm đất và mật độ trồng dâu

Chăm Sóc Quản Lý Ruộng Dâu Sau Trồng

Tưới nước, thoát nước

– Tưới nước: Đối với cây con và cây trồng bằng hom sau khi trồng xong phải tưới nước cho chặt gốc, giữ đủ ẩm cho cây để phục hồi bộ rễ (với dâu trồng cây con) và ra rễ nhanh (với trồng hom). 

– Thoát nước: Sau khi trồng nếu gặp ngập úng phải thoát nước kịp thời. Nếu để ruộng dâu ngập nước kéo dài cây dâu sẽ bị vàng và héo lá rồi chết.

Trồng dặm: Sau 10 – 15 ngày với trồng dâu cây, 25 –  30 ngày với trồng hom, dâu sẽ nảy mầm. Cần kiểm tra và trồng dặm thêm vào những chỗ cây bị chết, khuyết để đảm bảo mật độ.

Làm cỏ: Ruộng dâu mới trồng, cây sinh trưởng chậm, đất có nhiều chất dinh dưỡng là điều kiện thuận lợi cho cỏ dại phát triển nhanh, tranh dành ánh sáng, thức ăn với cây dâu. Cỏ dại còn là nơi trú ngụ, phát sinh các loại sâu bệnh, vì vậy cần chú ý dọn cỏ kịp thời kết hợp làm cỏ và xới đất để giữ ẩm, tạo thông thoáng để cây sinh trưởng phát triển tốt. 

Bón phân: Khi cây đã nảy mầm, phát triển mầm dâu cao khoảng 25 – 30cm tiến hành bón thúc cho cây dâu. Lượng bón: 50 – 60kg ure/ha với độ sâu 10cm và cách gốc dâu 10 – 15cm.

Phòng Trừ Sâu Bệnh

Nhiều loại sâu bệnh phá hoại như: dế, sâu róm, sâu cuốn lá, sâu khoang, sâu xám, rệp, xén tóc,… và một số bệnh do nấm, vi khuẩn phá hoại nguy hiểm cho cây. Vì vậy cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm để phòng trừ kịp  thời.

Thu Hoạch Lá

Đối với ruộng dâu mới, sau khi trồng 4 – 5 tháng với dâu trồng cây hoặc 6 – 7 tháng với dâu trồng hom là có thể thu hoạch lá cho tằm ăn. Tuy nhiên, việc khai thác lá ở ruộng dâu mới trồng phải dựa theo nguyên tắc: “Khai thác là phụ, bồi dưỡng cây là chính” khi cây dâu sinh trưởng đạt chiều cao 1 mét trở lên có thể khai thác từ 30 – 40 % lượng lá có trên cây. Tuyệt đối không khai thác lá khi cây còn nhỏ.

Hình ảnh: Thu hoạch lá dâu

Kỹ Thuật Nuôi Tằm 

Nuôi tằm là khâu quan trọng nhất trong tất cả các công đoạn. Nó cho ra sản phẩm trực tiếp cho người nông dân bán kén và là nguyên liệu đầu vào của nghề ươm tơ, dệt lụa.

Vòng đời của tằm là một quá trình khép kín xoay vòng từ giao phối rồi đẻ trứng, sau từ 10 – 12 ngày trứng nở, tằm phát triển thành tằm tuổi 1, 2, 3, 4, 5. Sau khi đủ lớn tằm làm kén hóa nhộng, sau 10 – 12 ngày thì vũ hóa, sau đó tằm trưởng thành tiếp tục giao phối và tiếp tục lặp lại vòng đời. Hiểu rõ vòng đời của tằm thì việc nuôi tằm sẽ được đảm bảo tốt hơn.

Hình ảnh: Vòng đời của tằm

Kỹ Thuật Ấp Trứng Tằm

Trứng tằm sau khi đẻ thường từ 9 – 11 ngày là nở. Nếu khâu ấp trứng không được đảm bảo thì trứng nở không đồng đều, thể chất tằm yếu, khó nuôi. 

Nhiệt độ ấp trứng lý tưởng 25 – 26 độ. Khi thời tiết lạnh cần bảo quản tủ ấp trứng ở phòng ấm, mùa hè để nơi mát mẻ để có nhiệt độ thích hợp cho trứng phát dục. Cao quá 30 độ sẽ có nhiều trứng chết, thấp dưới 18 độ tằm sẽ nở lai rai nhiều ngày.

Ẩm độ thích hợp 80 – 85%, nếu quá khô trứng sẽ nở kém và nhiệt độ cao trứng chết phôi nhiều, tổng nở chỉ khoảng 10%.

Ánh sáng giai đoạn đầu cần 10 – 14 giờ chiếu sáng/ngày, ngày trứng ghim cần tối hoàn toàn để trứng nở đều. Khi trứng ghim cần phải dùng vải đen, giấy báo gói kín lại. Đến hôm sau mở kích thích ánh sáng trứng sẽ tự nở đều, tập trung.

Kỹ Thuật Băng Tằm

Thời gian băng tằm: Khi tằm nở hết thì băng, nếu để muộn quá tằm sẽ đói, sớm quá một số trứng chưa kịp nở. Vậy nên thời gian cho mùa hè thường từ 7 – 8 giờ, mùa đông muộn hơn từ 9 -10 giờ. Trứng nở tập trung 1 ngày là trứng khỏe.

Kỹ Thuật Nuôi Tằm Con

Nuôi tằm con tuổi 1 – 2 – 3 có ý nghĩa rất lớn đến kết quả nuôi tằm lớn tuổi 4 – 5. Tằm con do khả năng chống chịu kém và sinh lý khác tằm lớn nên cần được chăm sóc đặc biệt và chu đáo hơn.

Tằm con thường nuôi trong các miếng ni lông (mô tằm được đậy một lớp ni lông mỏng) để giữ ẩm, đảm bảo cho dâu tươi lâu. Vì vậy, một ngày đêm cho ăn 4 bữa (6 giờ/lần). Nếu nuôi không đậy ni lông thì cần cho ăn 6 – 7 bữa.

Thay phân san tằm: Tuổi 1 thay một lần trước khi tằm ướm ngủ. Tuổi 2 thay 2 lần vào đầu và cuối tuổi. Tuổi 3 thay 3 lần vào đầu, giữa và cuối tuổi. Mỗi lần thay phân phải nhớ san đều tằm để tằm ở rộng, thoáng. Xử lý khi tằm ngủ rất quan trọng, nó đảm bảo tằm ăn, ngủ tốt đúng theo độ tuổi thì tằm sẽ dễ nuôi, chín đều, ít bệnh tật.

Kỹ Thuật Nuôi Tằm Lớn

Tằm lớn tuổi 4 – 5 sẽ ăn nhiều hơn (tằm tuổi 4 ăn 15%, tuổi 5 ăn 80% lượng dâu của cả lứa). Thời kỳ này, sức đề kháng của tằm yếu, dễ bị bệnh. Chính vì thế cần bố trí độ thông thoáng tốt, tránh gió lùa và ánh sáng quá gay gắt. Tránh sự  thay đổi đột ngột của nhiệt độ.

Số Bữa Cho Tằm Ăn

Tằm tuổi 4 cần ăn lá dâu bánh tẻ, màu xanh đậm. Tằm tuổi 5 ăn lá dâu nhiều chất xơ hơn nhưng tránh cho ăn lá dâu già, vàng, bẩn, lá bị sâu bệnh hay có tổ sâu. Mỗi ngày cho ăn 4 – 5 bữa, ở tuổi 4 thái đôi lá dâu, tằm tuổi 5 có thể ăn cả lá hoặc cả cuống. 

Hình ảnh: Cho tằm ăn

Thay Phân San Tằm

Từ tuổi 4 trở đi mỗi ngày thay phân một lần vào buổi sáng, kết hợp thay phân với san đều tằm.

Xử Lý Khi Tằm Ngủ

Tằm lớn chỉ ngủ 1 lần ngủ cuối tuổi 4, dậy đầu tuổi 5. Thời gian ngủ dài hơn tằm con khoảng 5 tiếng. Khi tằm ngủ cần yên tĩnh, khô ráo. Khi tằm dậy, rắc thuốc phòng bệnh.

Tằm tuổi lớn thường hay bị bệnh vôi (vụ xuân), bệnh bủng, bệnh trong (vụ hè) và nhặng hại tằm. Để phòng bệnh cho tằm nên sử dụng một số thuốc như KS4 do Trung tâm NC Dâu tằm tơ TW sản xuất hoặc Lục mê tố, Hồng mê tố của Trung Quốc phun vào lá dâu cho tằm ăn.

Tằm Chín Lên Né

Ở tuổi 5, sau 6 – 8 ngày ăn dâu thì tằm chín. Giống đa hệ chín vào 6 – 7 giờ sáng, lưỡng hệ chín vào buổi trưa. Có thể dùng thuốc để kích thích tằm chín đều. Thuốc gồm 1 ống phun đều cho 5kg lá dâu cho 8 – 10 nong tằm (vụ hè) và 6 – 8 nong (vụ xuân, thu), cho ăn vào 18 giờ và 22 giờ đêm hôm trước để sáng hôm sau tằm chín đều.

Bắt tằm chín kịp thời và cho lên né. Khi lên né, tằm cần nhiệt độ 30 – 32 độ, ẩm độ 60% để tằm nhả tơ đều. Tốt nhất là phải đốt lò tăng nhiệt trong 2 đêm đầu tiên khi tằm vào tổ để tăng tỷ lệ lên tơ.

Thu Hoạch Kén

Tằm chín 4 – 5 ngày thì hoá nhộng, lúc này gỡ kén ra là vừa, kén gỡ xong được giàn đều lên nong, phân loại kén tốt, xấu.

Hình ảnh: Thu hoạch kén tằm 

0 ( 0 bình chọn )

Tơ Lụa Việt Nam

https://toluavietnam.net
Hiệp Hội Tơ Lụa Việt Nam Cổng Thông Tin Chia Sẻ Các Kiến Thức Hữu Ích, Các Câu Chuyện, Tin Tức Liên Quan Đến Ngành Lụa Tơ Tằm Việt Nam

Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm